Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Một số mô hình hot


1 / Làm giàu từ mô hình nuôi chim bồ câu Pháp ở Bắc Giang .
.VIDEO TRẠI BỒ CÂU SÁNG TẠO ( Pháp sóng trên VTC16 và VTV6 ):
Cập nhật: Thứ Sáu , 22/10/2011 | 2:07:55 PM
BGĐT – Đến thôn Làng Tón , xã Việt Ngọc , huyện Tân Yên (Bắc Giang) hỏi nhà anh Vũ Trọng Tạo nuôi chim bồ câu Pháp thì ai cũng biết, bởi anh được xem là người đầu tiên trong xã mạnh dạn đầu tư trang trại nuôi chim bồ câu Pháp.
(  Trại chim Bồ Câu Pháp SÁNG TẠO )
Phát triển đúng hướng, phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình, của địa phương và nhạy bén với nhu cầu của thị trường, anh Tạo đã trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của xã, được nhiều người trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm phát triển chăn nuôi trong gia đình, cũng như các dự án phát triển kinh tế ở các tỉnh lân cận .
.Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông , sau khi tốt nghiệp Đại Học chuyên nghành Kinh Tế anh Tạo lại lựa chọn hướng đi làm kinh tế từ chính mảnh đất mình sinh ra .Gia đình anh Tạo đến với nghề nuôi chim bồ câu rất tình cờ, đó là khi anh thấy có nhà một người bạn nuôi rất nhiều chim bồ câu Lai thấy cho hiệu quả kinh tế cao, và nhà anh bố mẹ cũng đã chăn nuôi chim Lai với số lượng ít nhưng cũng cho hiệu quả cao ,anh thấy say luôn nghề nuôi chim bồ câu. Và anh đã tự tìm tòi kỹ thuật nuôi chim trên mạng Internet , sách báo, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, thăm quan các mô hình đã nuôi thành công tại miền Bắc và Nam  rồi anh quyết định đầu tư nuôi 50 đôi chim giống  Pháp về nuôi thử. Qua thời gian nuôi thử nghiệm, tìm hiểu nhu cầu của thị trường, anh Tạo nhận thấy nuôi bồ câu là hướng đi mới đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
Với suy nghĩ đó, anh Tạo đã quyết tâm đầu tư mở rộng mô hình nuôi chim bồ câu. Đến nay, gia đình anh đã có khoảng 350 cặp bồ câu bố mẹ sinh sản và luôn có 100 cặp bồ câu giống hậu bị sinh sản để phục vụ nhu cầu con giống . Trong đó anh đã xây dựng 2 mô hình nuôi  : nuôi  lồngcông nghiệp , và nuôi thả trong nhà lưới (bán công nghiệp ) . Mỗi một mô hình đều có những ưu nhược điểm khác nhau và sẽ phù hợp vời từng hộ gia đình khác nhau .
( Mô hình nuôi công nghiệp hiện nay )
Anh Tạo  vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc chim bồ câu: “Nuôi chim bồ câu không khó, bởi chúng rất ít bị bệnh lại dễ tính, chỉ cần làm cho chim bồ câu chỗ ở thoáng mát, sạch sẽ và đầy đủ ánh sáng là được, hàng năm định kỳ tiêm phòng là rất yên tâm . Về nguồn thức ăn thì rất đơn giản, một ngày chim bồ câu ăn 2 bữa, chủ yếu là thóc và ngô cùng với nguồn nước uống sạch với hình thức nuôi công nghiệp hay nuôi trong nhà lưới thì trong khẩu phần thức ăn nên cho ăn thêm cám công nghiệp của Gà đẻ như vậy sẽ có hiệu quả cao hơn  . Không phải lo về tiêu thụ sản phẩm, vì bồ câu là thức ăn quý và bổ dưỡng mà lại hợp túi tiền  nên khách hàng thường vào tận nơi đặt hàng, nhiều khi không có đủ để cung cấp ra thị trường.
Bồ câu là vật nuôi sinh trưởng và phát triển nhanh, từ khi nở cho đến khi bồ câu non ra ràng là 45 ngày, trong khoảng thời gian ấy bồ câu mẹ có thể vừa đẻ vừa nuôi con. Bình quân mỗi tháng gia đình anh xuất bán hơn  200 cặp chim giống với giá thấp nhất là 180.000 đồng/cặp . Giá bán bồ câu thịt anh bán hện nay là 120.000 đồng/cặp. Sau khi trừ các chi phí thức ăn, gia đình anh thu về trên 25 triệu đồng tiền lãi/tháng nếu chỉ bán giống  anh chia sẻ nếu chỉ bán chim thịt thì anh cung được lãi khoảng 14 triệu/tháng một mức thu nhập rất hấp dẫn tại một vùng nông thôn .
Anh chia sẻ thêm , hiệu quả nuôi chim bồ câu cao hơn nhiều so với nuôi các loại gia súc, gia cầm  khác do chi phí đầu tư  không quá cao, không phải tốn nhiều công sức để chăm sóc lại thu hồi vốn nhanh. Bên cạnh đó, diện tích để nuôi chim bồ câu không cần phải lớn. Đây là một hướng đi rất phù hợp với những hộ nông dân nghèo.
Ngoài nuôi bồ câu, gia đình anh còn nuôi thêm : gà thả vườn,  lợn thịt, nuôi bò , kết hợp làm nông nghiệp để tăng thêm thu nhập. Mỗi năm trừ chi phí, gia anh thu lãi trên 200 triệu đồng. Mô hình nuôi chim bồ câu của anh đã trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều nông dân trong xã cũng như trong tỉnh đến thăm quan, học tập kinh nghiệm và mua con giống.
Với những người bắt đầu nuôi, anh luôn hướng dẫn tận tình kỹ thuật chăm sóc, làm thế nào để chim bồ câu mang lại hiệu quả cao nhất cho người nuôi. Dự kiến, thời gian tới, gia đình anh tiếp tục mở rộng mô hình này nhằm kịp thời cung cấp đủ lượng chim bồ câu thịt ra thị trường. Cùng với đó, anh sẽ phát triển và nuôi thêm gà  đồi Yên Thế với mô hình 500 con để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Dám nghĩ, dám làm, cần mẫn trong lao động không chỉ giúp anh Vũ Trọng Tạo làm giàu cho gia đình mà còn góp phần làm cho bộ mặt nông thôn Việt Ngọc đổi mới.
BT : Thanh Tung


2 / Mô hình tại xã Tân Dân, huyện Yên Dũng, Bắc Giang
.
 
Tỉnh Bắc Giang có rất nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao đến cả trăm triệu đồng/năm , tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động. Nhưng, có một mô hình ít người làm mà lại cho thu nhập cao, với chi phí thấp, ít tốn công, đó là mô hình nuôi chim bồ câu. Đến Bắc Giang rất dễ để tìm hiểu các mô hình nuôi chim bồ câu ở các huyện như : Tân Yên , Hiệp Hòa , Yên Dũng ,… Ở thị trấn Tân Dân, huyện Yên Dũng thì không ai là không biết đến ông Luân – đã làm giàu từ nuôi chim bồ câu.
Từ việc nuôi chơi đến làm giàu
Năm 1990 ông Luân, rời bỏ công việc Quản lý kinh tế ở Tổng Cục địa chất do mất sức lao động. Cuộc sống khó khăn, ông chỉ nghĩ ra việc nuôi chim bồ câu làm cảnh cho vui và cải thiện bữa ăn gia đình. Ban đầu ông mua 6 đôi chim bồ câu Ta về nuôi và không có ý định làm giàu. Đến năm 2002, dịch cúm gia cầm phát sinh mạnh và rộng khắp trên địa bàn huyện, tỉnh nhưng được chăm sóc tốt nên đàn chim cứ sinh sôi, phát triển mạnh và duy trì 150 đôi cho đến nay. Khi hỏi về kinh nghiệm, ông Luân chia sẻ: “Nuôi chim bồ câu rất đơn giản, buổi sáng nên cho chim bố mẹ ăn cám viên của lợn. Khi đó chim bố mẹ sẽ mớm cho chim non vì chim non chưa thể ăn thức ăn cứng như thóc và ngô và chim bố mẹ không bị rát họng, 1giờ sau cho chim bố mẹ ăn ngô và thóc, khi ấy sẽ đảm bảo hơn cho sự sinh trưởng của chim”.
Chuồng trại, ông Luân tự xây 3 dãy chuồng bằng bê tông chắc chắn, sạch sẽ, mỗi dãy 5 tầng, hơn 200 ô nuôi, với chiều ngang, cao, sâu theo tỷ lệ: 30: 30: 40. Hiện trong mô hình này của ông Luân có 10 đôi bồ câu pháp, trị giá mỗi đôi là 250.000 và gần 140 đôi bồ câu lai pháp. Đây là loài bồ câu to, khỏe và có giá trị kinh tế cũng như giá trị dinh dưỡng cao và ít bị bệnh. Mỗi một đôi bồ câu mỗi năm đẻ 7-8 lứa, trong lượng trung bình chim ra ràng từ 450-600g/con ,giá bán chim thịt từ 90.000-100.000 đồng/đôi, chim giống từ 150.000 – 200.000 đồng/đôi tùy thời điểm . Trung bình mỗi lứa ông Luân bán 80 đôi, thu về 7 triệu đồng. Một năm ông Luân thu từ 70-80 triệu đồng từ nuôi chim bồ câu.
Cánh chim bay xa
Tiếng lành đồn xa, khách hàng ở trong tỉnh đến ngoài tỉnh như: Hải Dương, Lạng sơn, Hải Phòng… đặt mua với số lượng lớn. Hiện thôn Hương có 10 hộ nuôi chim bồ câu cho thu nhập kinh tế khá. Ngoài nuôi chim bồ câu, gia đình ông Luân còn nuôi 30 con lợn thịt, 6 con thỏ sinh sản nhằm tăng thêm thu nhập. Mỗi năm trừ chi phí, nguồn thu nhập của gia đình ông Luân trên 100 triệu đồng. Anh Hà Văn Minh, cán bộ khuyến nông thị trấn Tân Dân cho biết: “Không những là nhà nông giỏi trên mặt trận kinh tế, ông Ngụy Văn Luân còn là người tích cực tham gia các phong trào xã hội. Hiện nay chúng tôi cũng đang nhân rộng những mô hình hiệu quả như của gia đình ông Luân cho bà con cùng làm, đem lại thu nhập”. Với gần 20 năm ông Luân làm Hội trưởng Hội Nông dân thôn Hương và Hội trưởng Hội làm vườn, hàng năm ông đều được UBND huyện Yên Dũng tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và phát triển Hội.

3/ MÔ HÌNH TẠI LÂM ĐỒNG
Bồ câu là loài chim thường được mọi người nuôi chủ yếu là để làm cảnh cho “vui cửa, vui nhà”, còn nuôi bồ câu để làm kinh tế thì hẳn là nhiều người còn chưa nghĩ tới. Thế nhưng, anh Đặng Văn Cẩn trú tại xóm 2, thôn Tân Thuận, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, sau một lần tình cờ xem một chương trình nông nghiệp giới thiệu về mô hình nuôi bồ câu trên đài truyền hình, nhận thấy đây là một mô hình mới mẻ, có nhiều triển vọng và có thể làm giàu, nên anh đã quyết định tiến hành nuôi thử nghiệm 10 cặp chim bồ câu đầu tiên. Sau hơn 2 năm, với đức tính ham học hỏi và sự quyết tâm, giờ đây anh Cẩn đã xây dựng cho mình một mô hình nuôi chim bồ câu khá hoàn chỉnh , với khoảng hơn 200 cặp bồ câu đang sinh sản, thu nhập hàng tháng sau khi trừ các chi phí chăm sóc, cũng đem về cho gia đình anh từ 7 – 8 triệu đồng tiền lãi.
Dẫn chúng tôi ra thăm mô hình nuôi chim bồ câu ở sau nhà, anh Cẩn vui vẻ nói: “Cùng nhờ mô hình này mà kinh tế gia đình tôi giờ phần nào cũng ổn định, lo được cho các con ăn học, mua sắm vật dụng gia đình và lo được cuộc sống tươm tất hơn”. Lúc đầu, khi mới nuôi, anh Cẩn chủ yếu bán bồ câu thịt cho các đầu mối tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh, nhưng sau này, khi mô hình được nhân rộng, anh đã kết hợp vừa nhân giống để cung cấp cho những hộ nuôi khác ở các tỉnh thành, đồng thời cũng vừa nuôi chim thịt cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn lớn có nhu cầu. Khi được hỏi về kỹ thuật nuôi chim bồ câu, anh Cẩn chia sẻ: “Nuôi bồ câu không khó, đặc tính của chim bồ câu là loài động vật hoang dã, chỉ cần một không gian chuồng trại thoáng mát, ánh sáng đầy đủ, sạch sẽ và cung cấp nguồn thức ăn đầy đủ (mỗi ngày thường cho ăn 2 lần sáng – chiều), nguồn nước uống sạch sẽ, là có thể nuôi được. Tổ cho chim bồ câu ở và sinh sản được làm từ gỗ, có lót rơm, được gắn liền nhau trên các vách tường. Có một điều đặc biệt là, chim bồ câu khi đã chọn cho mình một tổ thì sẽ ở tổ đó suốt đời, nên việc tranh dành nhau về chỗ ở là không xảy ra. Còn dịch bệnh đối với bồ câu thì từ ngày tôi nuôi là chưa thấy xuất hiện, bồ câu rất khỏe mạnh và phát triển rất tốt, được các mối lái ở TP Hồ Chí Minh rất ưa chuộng”. Theo anh Cẩn, mô hình nuôi chim bồ câu này ai cũng có thể nuôi được, hiệu quả kinh tế cao, đầu ra tiêu thụ rất lớn, thường gia đình anh không nuôi kịp để cung cấp cho thị trường, phân của bồ câu được tận dụng bón cho cây trồng rất hiệu quả, nên việc mở rộng mô hình trên sẽ giúp bà con nông dân có cơ hội thoát nghèo và phát triển kinh tế là rất khả quan. Chim bồ câu sinh sản rất nhanh, từ chim giống đến khi sinh sản được vào khoảng 2,5 – 3 tháng , mỗi lần bồ câu đẻ được hai trứng, ấp khoảng 20 ngày là nở. Sau khi chim bồ câu nở được 10 ngày, người nuôi phải tiến hành bắt chim con ra khỏi ổ và chuyển vào ổ bên cạnh cho chim trống nuôi, làm như vậy để chim mái tiếp tục đẻ trứng. Như vậy, có thể thấy quá trình sinh sản của chim bồ câu là liên tục và khá nhanh, hiệu quả kinh tế mang lại cho người nuôi là thấy rõ. Với khoảng 200 cặp chim bồ câu vào đọ tuổi đang sinh sản như hiện nay, mỗi tháng gia đình anh Cẩn thu về khoảng 100 cặp chim bồ câu giống. Nếu tính giá 1 cặp chim giống hiện bán với giá trung bình 200 ngàn đồng thì 100 cặp sau khi bán sẽ thu về khoảng 10 triệu đồng, giá thức ăn cho bồ câu (chủ yếu là bắp, lúa, cám trộn lẫn) vào khoảng 7 ngàn đồng trên 1 kg, một ngày trung bình 200 cặp chim bồ câu ăn hết 10 kg thức ăn, một tháng thức ăn cho chúng vào khoảng 3 tạ thì chi phí thức ăn chỉ hết khoảng 2,1 triệu đồng. Mỗi tháng, sau khi trừ các chi phí thức ăn cho chúng, gia đình anh Cẩn cũng thu về từ 7 – 8 triệu đồng tiền lãi, đối với một người làm nông thì đây là một thu nhập rất đáng kể. Bên cạnh việc nuôi bồ câu, gia đình anh Cẩn còn trồng cà phê, bắp, lúa để tăng gia sản xuất, đồng thời lấy sản phẩm lúa, bắp dùng nuôi chim bồ câu, như vậy thật là hiệu quả đôi đường. Trong thời gian tới, anh Cẩn sẽ tiếp tục triển khai mở rộng mô hình này với một quy mô lớn hơn. Đồng thời, anh Cẩn cho biết là sẽ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệp nuôi bồ câu của mình cho bà con nào có ý định làm kinh tế theo mô hình này.
Vừa qua, Hội nông dân Lâm Đồng cùng Trung tâm Nông nghiệp huyện Đức Trọng, đã ghé thăm mô hình của anh Đặng Văn Cẩn, nhằm tìm hiểu, đánh giá hiệu quả kinh tế mà mô hình trên mang lại.
4 / MÔ HÌNH TẠI QUẢNG NGÃI
Quảng Ngãi: Nuôi chim bồ câu – Vốn ít, hiệu quả cao
Trong những năm gần đây, phong trào chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phát triển khá mạnh, đa dạng về mô hình và cho hiệu quả kinh tế khá cao. Điển hình như mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của bà Ngô Thị Thanh ở thôn 6, xã Đức Chánh (Mộ Đức), đây là mô hình chăn nuôi khá mới đối với bà con trong tỉnh. Ý tưởng nuôi bồ câu Pháp của bà Ngô Thị Thanh xuất phát trong một lần vào thăm người thân ở TP. Hồ Chí Minh thấy người dân nơi đây nuôi giống chim này đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ trở nên giàu có.
Nhận thấy đây là một cách chăn nuôi mới có nhiều triển vọng nên sau khi tìm hiểu kỹ, bà Thanh đã quyết định mua 20 cặp chim bồ câu về nuôi. Thời gian đầu khi mới bắt tay vào nuôi, bà cũng rất lo vì thông thường chim bồ câu được nuôi thả tự do, chim tự kiếm mồi, tự xây tổ. Sự can thiệp của con người là rất ít. Giờ lại nuôi theo phương pháp nhốt chuồng, cộng với khí hậu tại địa phương, nên bà sợ không phù hợp với chim bồ câu giống ngoại này.
Thế nhưng, do biết áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, sau 5 tháng nuôi chim không bị hao hụt, phát triển tốt và sinh sản lứa đầu tiên. Trong một năm đầu bà quyết định để lại toàn bộ chim non làm giống. Đến năm thứ hai bà mới bán bớt một phần chim giống và chim thịt (chim ra ràng), số còn lại tiếp tục gây giống để tăng số lượng đàn.
Cùng với phát triển số lượng bầy đàn, bà đầu tư mở rộng chuồng trại nuôi bồ câu. Trên diện tích 72 m2, chuồng nuôi chim bồ câu được bà xây dựng chắc chắn, sạch sẽ, có mái che bằng tôn xi măng, có lưới thép B40 bao xung quanh. Bên trong chia thành 5 dãy chuồng, mỗi dãy gồm 3 tầng, mỗi tầng được chia thành 30 ô nhỏ. Mỗi ô có diện tích 32 cm2 nhốt từng cặp chim riêng biệt, có đánh số thứ tự; được trang bị máng ăn, máng uống, ổ đẻ trứng và ổ ấp.
Mỗi năm một cặp chim bồ câu có thể sinh sản tới 7 – 8 lứa. Thời gian từ khi chim ấp đến khi chim non ra ràng là 28 ngày. Nhờ chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, đàn chim cứ sinh sôi mạnh, đến nay số lượng đã lên đến 1.000 cặp (1.000 chim trống và 1.000 chim mái). Hiện tại mỗi ngày gia đình bà xuất bán khoảng 10 cặp chim thịt cho các quán ăn, nhà hàng, với giá 60.000 đồng/cặp. Như vậy, trung bình mỗi tháng xuất trên 300 cặp, bà thu về khoảng 18 triệu đồng, thực lãi khoảng 9 triệu đồng/tháng. Ngoài ra với giá bán chim giống khoảng 150.000 đ/cặp cũng đem lại cho bà một khoản thu khá cao.
Về kinh nghiệm nuôi chim bồ câu, bà Thanh chia sẻ: Nuôi bồ câu không khó, đặc tính của chim bồ câu là cần một không gian chuồng trại thoáng mát, ánh sáng đầy đủ, sạch sẽ và cung cấp nguồn thức ăn đầy đủ (mỗi ngày cho ăn 2 lần sáng – chiều tối), nguồn nước uống sạch sẽ, là có thể nuôi được. Còn dịch bệnh đối với bồ câu thì từ ngày tôi nuôi đến nay đã 12 năm mà chưa thấy xuất hiện bệnh gì, bồ câu khỏe mạnh và phát triển rất tốt, được khách hàng các nơi trong tỉnh ưa chuộng. Hiện nay nhu cầu tiêu thụ thịt chim bồ câu rất lớn, nhưng gia đình tôi không đủ số lượng cung cấp theo đơn đặt hàng của khách.
Đánh giá về mô hình ông Nguyễn Vũ Đông – cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Mộ Đức cho biết: Bồ câu Pháp dễ thích nghi với môi trường nông thôn, ai cũng có thể nuôi được, hiệu quả kinh tế cao, thị trưởng tiêu thụ lớn. Phân của bồ câu còn được tận dụng bón cho cây trồng rất hiệu quả, nên việc mở rộng mô hình trên sẽ giúp nông dân có cơ hội thoát nghèo và phát triển kinh tế là rất khả quan.
Lâu nay, bồ câu là loài chim thường được mọi người nuôi chủ yếu để làm cảnh cho vui cửa, vui nhà, còn nuôi bồ câu để làm kinh tế thì hẳn là nhiều người còn chưa nghĩ tới. Do đó thành công từ mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của bà Ngô Thị Thanh ở thôn 6, xã Đức Chánh (Mộ Đức) đã mở ra hướng đi mới cho người dân trong tỉnh, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân; đồng thời cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
5/ MÔ HÌNH TẠI ĐẮK NÔNG

Giúp nhau làm kinh tế: Nuôi chim bồ câu giống Pháp
 Gia đình anh Lê Viết Sơn là một trong những hộ đầu tiên ở thôn Tân Tiến, xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) đưa giống chim bồ câu Pháp về nuôi. Hiện gia đình anh nuôi trên 140 đôi chim. Với giá bán chim giống là 140.000 đồng/cặp, chim thịt là 120-130.000 đồng/cặp, mỗi năm anh đều thu lãi khá. Chỉ tính riêng năm 2010, gia đình anh bán được hơn 600 cặp, trừ chi phí tất cả cũng cho thu lãi trên 50 triệu đồng. Anh Sơn cho biết: “Năm 2007, gia đình tôi mua 25 cặp chim từ Lâm Đồng về nuôi thử. Nhận thấy đây là giống chim dễ nuôi, lại nhanh lớn hơn giống chim bồ câu ta, tôi vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm và nhân giống lớn dần lên”. Cũng theo anh Sơn thì nuôi chim bồ câu không khó, đặc tính của chim bồ câu là loài động vật hoang dã, chỉ cần một không gian chuồng trại thoáng mát, ánh sáng đầy đủ, sạch sẽ, buổi sáng tranh thủ cho ăn 1 lần, để đầy đủ máng nước uống, sau đó đi làm rẫy chiều về cho ăn 1 lần nữa là được. Giống chim bồ câu Pháp tạp ăn, chúng ăn các thức ăn sẵn có như lúa, gạo, bắp nghiền. Bồ câu Pháp rất ít dịch bệnh, chỉ cần chú ý thu dọn phân thải theo định kỳ 1 lần/ tuần. Chim bồ câu nuôi 6 tháng là bắt đầu sinh sản, một cặp chim bồ câu sinh sản có thể tới 7-8 lứa/năm, mỗi lứa 2 trứng/ổ. Thời gian từ khi chim ấp đến khi chim non ra ràng là 28 ngày và đến khi chim có thể bán được tổng cộng là 45 ngày. Giống chim này tự ấp và nuôi con giỏi, tỷ lệ sống cao đạt 95-99%. Mỗi cặp chim sinh sản có một ô chuồng riêng và nên lót lá khô tạo thành ổ cho chim sinh sản thuận lợi. Theo kinh nghiệm của anh thì để có chim giống tốt phải chọn chim giống bảo đảm các yêu cầu như lông mượt, con trống to hơn, đầu thô, con mái nhỏ hơn, đầu nhỏ và thanh, không có dị tật, lanh lợi…Thấy nuôi chim cũng đơn giản mà hiệu quả kinh tế đạt khá nên nhiều gia đình trong thôn cũng đã học hỏi kinh nghiệm và xây chuồng, mua chim về nuôi. Đơn cử như anh Nguyễn Văn Thắng nuôi chim bồ câu cũng được hơn 6 tháng. Với 30 cặp chim ban đầu, hiện anh đã gây đàn được 55-60 cặp và xuất bán gần 20 đôi. Anh Thắng dự định sẽ mở rộng diện tích chuồng trại để gây đàn lên 500 cặp vừa nuôi sinh sản bán chim giống cho bà con, vừa xuất bán thịt cho các nhà hàng trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá về mô hình nuôi chim bồ câu giống Pháp, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội nông dân xã Quảng Thành cho biết: “Hiện thôn Tân Tiến đã xây dựng được 3 mô hình với quy mô gần 1.000 con. Ngoài ra, nhiều hộ cũng tham gia nuôi thả ngoài với hơn 400 con. Thời gian tới, Hội sẽ khuyến khích các hộ nông dân khác trên địa bàn xã học hỏi và nuôi chim bồ câu Pháp để tăng thu nhập cho nông hộ nhằm xóa đói giảm nghèo”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Trại bồ câu pháp Thọ Xuân
Địa chỉ: Đôi 1-Xuân MInh-Thọ Xuân-Thanh Hóa
Điện Thoại: 
Email: xuandungyt@gmail.com
Trại bồ câu pháp Thọ Xuân
Địa chỉ: Đôi 1-Xuân MInh-Thọ Xuân-Thanh Hóa
Điện Thoại: 
Email: xuandungyt@gmail.com
Trại bồ câu pháp Thọ Xuân
Địa chỉ: Đôi 1-Xuân MInh-Thọ Xuân-Thanh Hóa
Điện Thoại: 
Email: xuandungyt@gmail.com